Khách hàng thông thái tra cứu thông tin sản phẩm

17/06/2021

       Các nhà y học đã chia sức khỏe thành ba loại: Những người thực sự khỏe, đáp ứng được định nghĩa về sức khỏe của WHO tỷ lệ này chiếm 5-10%; Những người mắc bệnh 10 -15%; Chiếm trên 75% dân số là những người ở trạng thái giữa khỏe mạnh và mắc bệnh (sức khỏe kém). Do vậy, việc người tiêu dùng có ý thức đầu tư cho sức khỏe ngay từ khi còn khỏe mạnh là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, thông tin về TPCN trên thị trường hiện nay còn quá nhiều yếu tố chưa thực sự được đảm bảo như uy tín của doanh nghiệp, chất lượng nguồn hàng,… Từ phía cơ quan nhà nước đã tăng cường quản lý sát sao để tránh những hiện tượng phát triển tiêu cực của thị trường TPCN. Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để có thể tự kiểm tra, đánh giá và bảo vệ sức khỏe cũng như lợi ích của mình trong tiêu dùng TPCN nói chung và TPCN nhập khẩu nói riêng. 

   Theo Phó giáo sư, tiến sĩ y học Trần Đáng “Thực phẩm chức năng là thực phẩm để hỗ trợ, tăng cường và phục hồi, hỗ trợ, tăng cường và duy trì các chức năng của các bộ phận trong cơ thể, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật ”.

Một chia sẻ rất tâm huyết của khách hàng là giảng viên đại học. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự am hiểu của khách hàng từ những nguồn tin cậy là động lực cho những doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc có cơ hội phát triển, đem lại giá trị sử dụng cho người tiêu dùng Việt Nam.

Thực phẩm chức năng hướng tới giúp người tiêu dùng có thể đạt được sức khỏe sung mãn. Theo WHO: “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái đầy đủ (toàn diện) về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ bó hẹp vào nghĩa là không có bệnh hay thương tật”. Theo cách hiểu của thực phẩm chức năng học: “Sức khỏe là tình trạng lành lặn về cấu trúc và chức năng của các tế bào, tổ chức và cơ thể; Giữ cân bằng nội môi và thích nghi với sự thổi của môi trường”. Theo đó, sức khỏe sung mãn được hiểu là: Sức khỏe sung mãn là trạng thái không gặp phải chứng viêm khớp, loãn xương, béo phì, đột quỵ, ung thư, chứng mất trí nhớ, bệnh động mạch vành, cao huyết áp, tiểu đường, ….

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe đó là yếu tố sinh học (giới tính, lứa tuổi, thể trạng, di truyền, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng); yếu tố tự nhiên (tài nguyên, khí hậu, thời tiết, môi trường, dịa lý); các yếu tố kinh tế - xã hội (chế độ ăn, chế độ sinh hoạt, chế độ nghỉ ngơi, chế độ lao động, chính trị, học vấn,…). Tuy nhiên, việc nhận thức đúng vai trò của TPCN và dùng đúng cách là yếu tố tác động đến việc duy trì và nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.

Hành vi tiêu dùng TPCN của người tiêu dùng là toàn bộ hành động mà người tiêu dùng bộc lộ ra trong quá trình tìm hiểu, mua sắm, đánh giá cho TPCN nhằm thoả mãn nhu cầu của họ. Hành vi tiêu dùng TPCN có thể được hiểu là cách thức mà người tiêu dùng đưa ra cách thức sử dụng thu nhập của mình dùng cho việc mua sắm và sử dụng TPCN nhằm thoả mãn nhu cầu của họ.

Việc lựa chọn TPCN là rất phức tạp và nó phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố. Theo lý thuyết kinh tế học, các yếu tố tác động tới hành vi tiêu dùng gồm có sự ưa thích của người tiêu dùng và sự ràng buộc về ngân sách hay thu nhập của họ. Các yếu tố tác động đến hành vi tiêu dùng TPCN có thể được đưa ra cụ thể là: Thứ nhất, nhân tố văn hóa gồm có văn hóa, nhánh văn hóa, sự giao lưu và biến đổi văn hóa; Thứ hai, nhân tố xã hội gồm giai tầng xã hội, nhóm tham chiếu,  gia đình, vai trò và địa vị cá nhân; Thứ ba, nhân tố cá nhân như tuổi tác và giai đoạn trong đời sống gia đình, nghề nghiệp, trạng thái kinh tế, lối sống, nhân cách hay cá tính; Thứ tư, yếu tố về tâm lý gồm động cơ, nhận thức, hiểu biết, niềm tin và thái độ của người tiêu dùng. Những yếu tố này sẽ tác động đến tiềm thức của người tiêu dùng và tác động tới hành vi mua sắm hiện tại và trong tương lai của họ. 

Qua phần điều tra từ 450 khach hàng đã dùng TPCN, yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến tiêu dùng TPCN là nguồn thông tin tư vấn từ bác sĩ tại bệnh viện, phòng khám và nhân viên các quầy thuốc. Khi có thông tin từ các bác sĩ điều trị 92% khách hàng được hỏi đều tiêu dùng. Nguồn thông tin thương mại mà khách hàng tự tham khảo đề đưa ra quyết định tiêu dùng có thể từ  quảng cáo, người bán hàng, hội chợ, triển lãm, bao bì, nhãn hiệu… nhưng 65% khách hàng đánh giá nguồn thông tin từ quảng cáo. Bên cạnh đó, nguồn thông tin xã hội từ gia đình, bạn bè, người quen cũng góp phần không nhỏ tới tiêu dùng TPCN trong đó 80% thông tin từ nguồn này là thông tin truyền miệng.

Chính thực trạng về hành vi tiêu dùng này này làm cho công tác quản lý TPCN ở Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn do những chiêu trò lách luật của các doanh nghiệp. Mặc dù, Thông tư 05/2016/TT-BYT (29 tháng 02 năm 2016) quy định rõ: “Cấm người kê đơn kê vào đơn thuốc các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng; mỹ phẩm”. Tuy nhiên, vụ việc gần đây vẫn được phóng viên Tòa soạn Kinh doanh và Phát triển đã đăng bài phản ánh việc các bác sĩ tại bệnh viện E đang có hành vi kê thêm thực phẩm chức năng trong đơn thuốc cho bệnh nhân. Các hoạt động kê đơn vẫn được các bệnh viên tường trình là họ đã tách đơn riêng của thuốc và thực phẩm chức năng (Phiếu tư vấn - Người tiêu dùng sẽ nghe tư vấn và quyết định mua hay không là do bản thân họ).

Tiếp đó, tình trạng quảng cáo, thổi phồng về tác dụng của TPCN không phải là hiếm gặp, bởi TPCN không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Nhưng nhiều bài quảng cáo nói có thể chữa trị, điều trị các bệnh liên quan,… Theo khẳng định của ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng cục ATTP những tuyên bố về TPCN có tác dụng trữa trị, điều trị là những tuyên bố hoàn toàn vi phạm của doanh nghiệp đối với những quy định của Cục ATTP. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, quảng cáo thực phẩm chức năng trên các trang web hiện nay là hình thức rất phổ biến. Trong đó, có không ít trường hợp trang web quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng, khiến người dân tưởng nhầm thuốc chữa bệnh. Rất nhiều sản phẩm, trang web và doanh nghiệp đã bị Cục An toàn thực phẩm lập biên bản vi phạm và xử phạt theo quy định. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, cũng có nhiều trường hợp công ty vi phạm quảng cáo trên web, mặc dù cơ quan chức năng có bằng chứng, nhưng họ chỉ nhận sản phẩm đúng là của công ty nhưng trang web thì không phải của họ, nên công ty không chịu trách nhiệm. Với những trường hợp này, Cục buộc phải chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông (đơn vị cấp giấy phép thành lập trang web) để xử lý theo quy định.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng đã từng được nhân viên tư vấn qua điện thoại, ông đhán giá rất khó xử lý vi phạm, tuy nhiên số lượng này không nhiều. Chính vì vậy, khi dùng bất kỳ sản phẩm nào, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu kỹ trước khi sử dụng, ông Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo. Bên cạnh đó, thông tin truyền miệng và đa cấp cũng rất khó có thể kiểm soát. Do vậy, ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, cũng cho biết, khi sử dụng thực phẩm chức năng, người tiêu dùng cần tỉnh táo, nếu thấy sản phẩm được quảng cáo là chữa được bệnh như ung thư, gout... thì biết ngay đó là hàng giả, vì hiện nay chưa có thuốc gì chữa được ung thư, mà tất cả chỉ là hỗ trợ điều trị bệnh. Người tiêu dùng cần tìm hiểu về truyền thống lịch sử hoạt động của công ty có sản phẩm mình đang cần. Một trong những phương pháp để quản lý an toàn thực phẩm của nước Mỹ là dựa vào truyền thống. Nếu công ty đó có hệ thống sản phẩm truyền thống tốt thì đó là một tiêu chí để lựa chọn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM cũng chia sẻ, TPHCM đã xử lý rất nhiều vụ việc quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, thậm chí có công ty bị phạt vài trăm triệu. Tuy nhiên, tần suất quảng cáo thực phẩm chức năng bị thổi phồng tác dụng dưới nhiều hình thức khác nhau đã khiến một bộ phận người bệnh xao nhãng việc điều trị hiện tại, quay sang sử dụng thực phẩm chức năng. Và khi đó, người bệnh phải chi trả với giá quá đắt nhưng lại không xứng đáng với chất lượng, đặc biệt họ còn bỏ qua giai đoạn sớm chữa bệnh. “Thuốc còn có quản lý giá, nhưng thực phẩm chức năng hiện nay được ví giống như mỹ phẩm, được bày bán khắp nơi, giá càng cao, người tiêu dùng càng tin”, bà Phong Lan chia sẻ.

Hiện nay, cục ATTP đã xây dựng quy chuẩn GMP với các doanh nghiệp sản xuất TPCN chứ không chỉ là GMP cho thuốc. Điều này giúp cho TPCN được sản xuất ở Việt Nam sẽ đảm bảo được những tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt đem lại những sản phẩm chất lượng tới người tiêu dùng. Ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp đạt quy chuẩn GMP, Cục An toàn thực phẩm cũng đã tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, quy trình cho các doanh nghiệp, trong đó ưu tiên những doanh nghiệp có đề nghị về hướng dẫn, tư vấn theo chuẩn GMP. 

Việc quản lý TPCN vẫn còn gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp cố tình vi phạm với những cách thức tinh vi hơn. Do vậy, khách  hàng cần trang bị cho mình những kiến thức để có thể tự bảo vệ mình và góp phần bảo vệ cộng đồng từ đó trở thành người tiêu dùng thông thái. TPCN có thể sử dụng cho những người ốm và sức khỏe kém (ở giữa khỏe mạnh và mắc bệnh), do vậy người tiêu dùng nên:

Thứ nhất, chọn cho mình  tối đa 3 loại TPCN phù hợp để dùng mỗi ngày. Dù được tư vấn các sản phẩm đều từ thiên nhiên, hỗ trợ tốt cho sức khỏe thì hãy đừng vội tin và dùng tới 4-5 sản phẩm cùng lúc. Vì các hoạt chất trong các sản phẩm có thể có tác dụng đối lập nhau như trứng với tỏi; rau dền với quả lê; củ cải trắng với các loại lê, táo, nho; bí rợ với cải thìa;….

Thứ hai, lựa chọn những TPCN hỗ trợ và tác động vào chức năng mà cơ thể đang cần. Cơ thể mình đang gặp vấn đề về sức khỏe khách hàng cần đến khám bác sĩ thay vì tự chuẩn đoán và mua sản phmẩ dùng tùy tiện. Việc dùng các sản phẩm một cách tùy tiện sẽ gây tác dụng phụ với cơ thể “Tiền mất tật mang”. Khi khách hàng bị lục khục khớp gối được chuẩn đoán là khô khớp thì cần bổ sung các chất tạo nhờn khớp thay vì bổ sung canxi. Trên các nhãn phụ của TPCN nhập khẩu bao giờ cũng có thông tin về công dụng của sản phẩm. Đây là cơ sở cho sự lựa chọn của khách hàng. Trong bài viết này, tác giả xin đưa ra nhãn phụ sản phẩm Novojoint được nhập khẩu từ Mỹ và đã được cục ATTP Việt Nam thẩm định nhãn, giấy tờ GMP (Chứng nhận thực hành sản xuất tốt) và CFS (Lưu hành tự do ở Mỹ) và phê duyệt công dụng dựa trên thành phần của sản phẩm:

Thứ ba, chọn các TPCN được cấp công bố từ cục ATTP hoặc Bộ Y tế.  Dựa vào nhãn phụ TPCN được gắn trên hộp khách hàng có thể tra trên trang web chính thống của cục ATTP để kiểm chứng những thông tin ban đầu. Tránh những lời quảng cáo thổi phồng của doanh nghiệp đối với sản phẩm được cung cấp. Trong bài viết này, tác giả xin chia sẻ về cách tra với một doanh nghiệp bất kỳ ví dụ những sản phẩm TPCN mà công ty TNHH Novoremedy đã đăng ký đã được cấp số.

Khách hàng vào trang web chính thức của cục ATTP sau đó vào phần tra cứu và gõ tên công ty mà khách hàng đọc được trên Nhãn phụ, trên hộp, trên tời rơi, nghe quảng cáo…Ví dụ: Công ty TNHH Novoremedy đã được phê duyệt 6 sản phẩm để phát triển ở Việt Nam. Khách hàng có thể gõ Novoremedy rồi thực hiện tra cứu sẽ ra kết quả về các sản phẩm được cấp số.

Bất kỳ sản phẩm nào mà khách hàng có dự định tiêu dùng, gõ doanh nghiệp tồn tại nhưng sản phẩm đó không tồn tại trong danh sách, đó là những sản phẩm chưa được kiểm duyệt và chúng ta không nên lựa chọn tiêu dùng cho dù người bán có nói hay đến đâu.

Thứ tư, xem kỹ nhãn mác TPCN và hạn sử dụng của TPCN. Với bất kỳ sản phẩm nào, khách hàng cần có thói quen xem hạn sử dụng trước khi dùng để tránh dùng sản phẩm quá hạn gây tác dụng xấu với cơ thể. Với những thực phẩm đã được phê duyệt ở cục ATPP Việt Nam, khách hàng nên dựa vào nhãn sản phẩm để tra thành phần trên nhãn có tác dụng gì đối với bệnh lý mình đang gặp phải. Ví dụ: Cùng tra về hợp chất Glucosamine trên nhãn Novojoint ở Google, khách hàng sẽ thấy nhiều trang web khác nhau đưa ra. Chúng ta không nên lười chỉ đọc 1 trang web mà hãy đọc 3-5 trang web khác nhau để có đánh giá khách quan về hoạt chất mình đang quan tâm.

Với những cơ chế tìm hiểu như vậy,  khách hàng sẽ trở thành những “Người tiêu dùng thông thái”, ngăn chặn sự bóp méo sự thật, quảng cáo bát nháo, thổi phồng công dụng sản phẩm, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Qua cách thức tiêu dùng đó, khách hàng có thể bảo vệ lợi ích cho bản thân, đồng thời giúp thị trường TPCN ở Việt Nam phát triển một cách lành mạnh hơn. 

                                           Nguồn: Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ - Tạp chí Công thương - Số 4/ 2021

 

X